Cuộc đời và sự kiện lịch sử liên quan đến Sương Nguyệt Anh
1864 Sương Nguyệt Anh được sinh ra
1924 60 tuổi Sương Nguyệt Anh mất
Thân thế và sự nghiệp của Sương Nguyệt Anh
Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (cũng có tài liệu viết là Nguyễn Thị Xuân Khuê), sinh ngày 1 tháng 2 năm Giáp Tí (1864) tại An Bình Đông (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri), là con thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Kế thừa tiết tháo của người cha, Ngọc Khuê đã sớm bộc lộ cả tài năng lẫn nhân cách.
Năm 1888, Nguyễn Đình Chiểu từ trần, lúc ấy Ngọc Khuê 25 tuổi, đang ở với người anh thứ ba là Nguyễn Đình Chúc, tham gia dạy học trò cùng anh. Có một viên tri phủ cậy mối hỏi, nhưng Ngọc Khuê không ưng. Về sau cùng gia đình anh, chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho), rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, Ngọc Khuê kết duyên cùng với một phó tổng sở tại góa vợ tên là Nguyễn Công Tính và sinh được một người con gái đặt tên là Vinh (cô này về sau lấy ông Mai Lương Ngọc sinh ra bà Mai Huỳnh Hoa). Khi con được hai tuổi, thì ông Tính mất. Bà ở vậy nuôi con và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống.
Năm 1918, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là “tiếng chuông của nữ giới”. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1 tháng 2 năm 1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Nhưng dù ngòi bút của Sương nguyệt Anh có khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại, tháng 7 năm 1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản. Cũng ngay lúc này, người con gái độc nhất của bà tên Nguyễn Thị Vinh, vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời.
Đầu năm 1919, bà trở về Ba Tri sống với em út là ông Nguyễn Đình Chiêm. Tuy tuổi già sức yếu, thỉnh thoảng bà vẫn làm thơ. Ngày 12 tháng chạp năm Tân Dậu (1921), bà qua đời tại quê hương.
Tài liệu tham khảo
Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, 1999, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Hà Nội, NXB Giáo Dục, Tr. 17.
vi.wikipedia.org
www.bentre.gov.vn