Nguyễn Huệ
Cuộc đời và sự kiện lịch sử liên quan đến Nguyễn Huệ
1753 Nguyễn Huệ được sinh ra
1771 18 tuổi Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn bùng nổ
1777 24 tuổi Nghĩa quân Tây Sơn lật đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong
1785 32 tuổi Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút
1786 33 tuổi Tây Sơn lật đổ chính quyền họ Trịnh
1788 35 tuổi Quân Thanh xâm lược nước ta
1789 36 tuổi Vua Quang Trung đại phá quân Thanh
16/9/1792 39 tuổi Quang Trung đột ngột qua đời
1792 39 tuổi Nguyễn Huệ mất
Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Huệ
Nguyễn Huệ còn được biết đến là Quang Trung Hoàng đế, vua Quang Trung hay Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn (ở ngôi từ 1788 tới 1792) sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam trong cuộc nội chiến và cả khi chống giặc ngoại xâm . Do có nhiều công lao, Nguyễn Huệ được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam.
Thân phụ ông họ Hồ, sau đổi ra họ Nguyễn, người gốc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, gia đình bị bắt đưa vào ấp Tây Sơn Thượng thuộc phủ Qui Ninh, tỉnh Bình Định (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Gia đình ông có bảy anh em gồm 4 gái, 3 trai, ông là con út. Thuở nhỏ ông theo học với Giáo Hiến, tính ông thông minh, chăm học nên được thầy yêu mến, truyền dạy cho cả văn lẫn võ.
Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh (Trung Quốc) từ phía bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.
Sau 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, Nguyễn Huệ lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sau cái chết của ông, nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Những người kế thừa ông không đủ bản lĩnh để lãnh đạo Đại Việt, lâm vào mâu thuẫn nội bộ và thất bại trong việc tiếp tục chống lại kẻ thù của Tây Sơn. Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Huệ được một số sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn.
Tài liệu tham khảo
vi.wikipedia.org
vietsciences.free.fr
nguyenhue.ucoz.org
www.nguyenhuedn.edu.vn
vanhoaquangtrung.com
www.lichsuvietnam.vn
thpt-nguyenhue-gialai.edu.vn