Cuộc đời và sự kiện lịch sử liên quan đến Nguyễn Bính

1918 – Nguyễn Bính được sinh ra

1966 – 48 tuổi – Nguyễn Bính mất

Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bính

Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918, với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Năm 13 tuổi ông đã bắt đầu làm thơ và năm 1937 được giải khuyến khích về thơ của nhóm Tự lực văn đoàn với tập thơ Tâm hồn tôi. Những năm đầu thập niên 1940, Nguyễn Bính nhiều lần lưu lạc vào miền Nam. Lúc này ông đổi tên là Nguyễn Bính Thuyết.

Năm 1943, Nguyễn Bính lại đi vào miền Nam lần thứ ba và đã gặp Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ độ về đây… Chính vì vậy ông được gọi là “thi sĩ giang hồ”.

Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Đến năm 1954, khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Nguyễn Bính tập kết về Bắc năm 1955 và được bố trí phục vụ trong Hội Nhà Văn ở Hà Nội một thời gian.

Năm 1956, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Trăm Hoa (nguyên văn trong tài liệu của Hội Nhà Văn) và tham gia vào phong trào Nhân văn – Giai phẩm.

Đến năm 1958, ông bị buộc chuyển về tỉnh nhà Nam Định, làm việc tại Ty Văn hoá Nam Định cho đến khi mất.

Thơ Nguyễn Bính “chân quê”, giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu,…”

Tác phẩm tiêu biểu:
– Lỡ bước sang ngang (1940)
– Tâm hồn tôi (1940)
– Hương cố nhân (1941)
– Mây Tần (1942)
– Người con gái ở lầu hoa (1942)
– Bóng giai nhân (1942)
– Tỳ bà truyện (1944)
– Tình nghĩa đôi ta (1960)

Nguyễn Bính mất sáng ngày 20 tháng 1 năm 1966, tức ngày 29 tháng chạp âm lịch xuân Ất Tị, tại nhà một người bạn ở huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Khi đó không một người vợ con ruột thịt nào của ông có mặt. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

Tài liệu tham khảo

Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, 1999, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Hà Nội, NXB Giáo Dục, Tr. 35.
vi.wikipedia.org
www.thivien.net
www.nguoiduatin.vn
www.thica.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *